Hán: 懺悔經
Anh: To confess sin; The prayer of confession; Repentance; Confession
Pháp: Se répentir – La prière de confession.
Phạn: Khamàpanà
Sám: ăn năn những lỗi lầm đã qua và thật lòng muốn sửa đổi, quyết không tái phạm nữa. Hối: tự giận mình vì đã làm điều sái quấy.
Sám hối là ăn năn và tự giận mình về những lỗi lầm do mình gây ra, tự nguyện sửa đổi và quyết không tái phạm nữa.
Trong sách Nho, định nghĩa Sám Hối là: “Sám giả sám kỳ tiền khiên, Hối giả hối kỳ hậu quá.” Nghĩa là: Sám là ăn năn lỗi trước, Hối là chừa bỏ lỗi sau.
“Sám nghĩa là ăn năn các tội trước của mình. Những tội do các nghiệp ác ngu mê, ngạo dối, ghen ghét đã tạo ra từ trước, tấtcả đều ăn năn, hằng chẳng gây lại nữa. Ấy gọi là Sám.
Hối nghĩa là ăn năn các lỗi sau của mình. Những tội do các nghiệp ác ngu mê, ngạo dối, ghen ghét tạo ra, nay đã giác ngộ rồi, tất cả đều dứt bỏ đời đời, ngày sau chẳng gây ra nữa. Ấy gọi là Hối.
Các người phàm phu ngu muội chỉ biết ăn năn tội trước của mình mà chẳng biết ăn năn lỗi sau. Bởi chẳng ăn năn nên tội trước chẳng dứt, lỗi sau lại sanh. Tội trước đã chẳng dứt, lỗi sau lại sanh, thì sao gọi là Sám Hối được.” (Pháp Bảo Đàn Kinh)
Sám Hối là điều rất quí báu và cần thiết trong việc tu thân, sửa mình cho càng ngày càng thêm tốt đẹp.
Kinh Sám Hối là bài kinh diễn tả những lỗi lầm của con người thường mắc phải và những hình phạt chờ sẵn nơi cõi Địa ngục để hành hình những người làm các điều lầm lỗi ấy, để con người biết mà chừa lỗi.
Hội Thánh có dặn rằng: “Kinh Sám Hối để tụng vào ngày Sóc Vọng, còn ngày thường lỡ có lầm lỗi điều chi thì tụng mà xin tội.” Kinh Sám Hối khi xưa được gọi là Kinh Nhơn Quả.
Kinh Sám Hối gồm 444 câu thơ song thất lục bát, được các Đấng Tiên, Phật giáng cơ ban cho Minh Lý Đạo (TamTông Miếu). Hội Thánh thỉnh kinh nầy về làm kinh của ĐĐTKPĐ.
Ông Âu Minh Chánh, Đạo trưởng của Minh Lý Đạo, thuật lại việc tiếp Kinh Sám Hối như sau:
“Một khi kia, đến cầu kinh giùm một người bằng hữu thọ bịnh tại Thủ Thiêm, có Đức Thái Thượng Lão Quân giáng xuống mà cho một khoản đầu Kinh Sám Hối.
Sau đó lần lần, mỗi khi cúng, có Tam giáo Đạo chủ hoặc là chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần, hoặc là Thập Điện Minh Vương giáng đàn cho tiếp Kinh Sám Hối.
Cũng tưởng rằng Thần Tiên cho Kinh đó đặng làm phước giúp người mà thôi, không dè Đức Văn Tuyên Vương giáng dạy chúng tôi phải kiếm một cảnh chùa đặng ngày Sóc Vọng đến đó dâng hương và Sám Hối.”
Ông Thơ ký thất của Minh Lý Đạo (Tam Tông Miếu) cho biết chi tiết việc tiếp Kinh như sau:
“Các Đấng giáng cho Kinh Sám Hối (KSHKinh Sám Hối):
· bắt đầu từ ngày Chúa nhựt 27-3-Ất Sửu (dl 19-4-1925)
· cho đến ngày Thứ bảy 6-10-Ất Sửu (dl 21-11-1925).
Lịch trình các Đấng giáng cơ cho Kinh như sau:
■ Chúa nhựt 19-4-1925 (âl 27-3-Ất Sửu), Đức Thái Thượng Lão Quân giáng cho 24 câu đầu, từ Câu 1 đến Câu 24:
C.1: | Cuộc danh lợi là phần thưởng quí. |
C.24: | Duyên kia chưa dứt còn đang thưởng đền. |
■ Ngày 22-4-1925, Đức Thái Thượng Lão Quân giáng cho tiếp từ Câu 25 đến Câu 52:
C.25: | Nếu vội trách người trên thì đọa. |
C.52: | Nước nguồn cây cội mới là tu mi. |
■ Ngày 26-4-1925, Đức Quan Âm Bồ Tát giáng cho tiếp, từ Câu 53 đến Câu 64:
C.53: | Giá trong sạch nữ nhi trượng tiết. |
C.64: | Gông kềm khảo kẹp ích gì rên la. |
■ Ngày 5-5-1925, Đức Nam Cực Chưởng Giáo giáng cho kinh tiếp, từ Câu 65 đến Câu 72:
C.65: | Người tai mắt đạo nhà khá giữ. |
C.72: | Gồm bao nâng đỡ ruột rà thương nhau. |
■ Ngày 22-5-1925, Đức Quan Thánh Đế Quân giáng cho tiếp, từ Câu 73 đến Câu 88:
C.73: | Người trung trực lo âu việc nước, |
C.88: | Nói năng minh chánh lời ra phải nhìn. |
■ Tiếp theo là Đức Nhiên Đăng Cổ Phật giáng cho tiếp từ Câu 89 đến Câu 100:
C.89: | Chớ quyệt ngữ mà khinh kẻ dại. |
C.100: | Rèn lòng sửa nết khá in như nguyền. |
■ Tiếp theo là Đức Quan Âm Bồ Tát giáng cho tiếp, từ Câu 101 đến Câu 124:
C.101: | Chừa thói xấu đảo điên trong dạ. |
C.124: | Ra tay tế độ, ấy thì lòng nhơn. |
■ Ngày 2-6-1925, Đức Tây Ba Đế Quân giáng cho kinh tiếp, từ Câu 125 đến Câu 148:
C.125: | Thương đồng loại cũng hơn thí bạc. |
C.148: | Rủi cho gặp lúc long đong chẳng sờn. |
■ Ngày 24-6-1925, Đức Quan Âm Bồ Tát giáng cho kinh tiếp, từ Câu 149 đến Câu 160:
C.149: | Hễ biết nghĩa thọ ân chẳng bội. |
C.160: | Lường cân tráo đấu, dối tu cúng chùa. |
■ Ngày 4-7-1925, Đức Địa Tạng Bồ Tát cho tiếp từ Câu 161 đến Câu 212:
C.161: | Còn hoi hóp tranh đua bay nhảy. |
C.212: | Vô can sát mạng thiệt thòi rất oan. |
■ Ngày 20-7-1925, Đức Khổng Phu Tử giáng cơ cho tiếp Kinh Sám Hối từ Câu 213 đến Câu 284:
C.213: | Chớ kiếm thế gọi ngoan xảo trá. |
C.284: | Khai ra bán mắc, Trời nào dung cho. |
■ Ngày 8-8-1925, Đức Địa Tạng Bồ Tát giáng cho tiếp, từ Câu 285 đến Câu 308:
C.285: | Ơn trợ giúp khá lo đền báo. |
C.308: | Hành hình khổ não chẳng hề nới tay. |
■ Ngày 25-8-1925, Tề Thiên Đại Thánh giáng cơ cho kinh tiếp từ Câu 309 đến Câu 356:
C.309: | Miền âm cảnh nhiều thay hình lạ. |
C.356: | Đo gian đong thiếu, Thánh Thần chẳng kiêng. |
■ Ngày 29-8-1925, Thập Điện Minh Vương giáng cơ cho kinh tiếp từ Câu 357 đến Câu 376:
C.357: | Bầy chó dữ mang xiềng chạy đại. |
C.376: | Vì chưng hung bạo đốt nhà bắn săn. |
■ Ngày 1-9-1925, Đức Lữ Tổ giáng cơ cho tiếp từ Câu 377 đến Câu 392:
C.377: | Có cọp dữ nhăn răng đưa vấu. |
C.392: | Lâu mau nặng nhẹ chịu mang tội nầy. |
■ Ngày 21-9-1925, Đức Alfred Aya giáng cho tiếp Kinh Sám Hối từ Câu 393 đến Câu 424:
C.393: | Ao rộng sâu chứa đầy giòi tửa. |
C.424: | Bày ra thuộc độc phá thai tuyệt loài. |
■ Ngày 21-10-1925, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát giáng cho tiếp từ Câu 425 đến 440:
C.425: | Người ở thế mấy ai khỏi lỗi. |
C.440: | E không hiểu thấu diễn ra ích gì. |
■ Ngày thứ bảy 21-11-1925 (âl 6-10-Ất Sửu), Đức Vân Trung Tử giáng cơ cho 4 câu chót, dứt Kinh Sám Hối:
C.441: | Chớ buông tiếng thị phi khinh dể,Ráng làm lành phước để cháu con.Làm người nhơn nghĩa giữ tròn, |
C.444: | Muôn năm bóng khuất tiếng còn bay xa. |
Ngay sau khi hết Kinh Sám Hối, Đức Đông Phương Lão Tổ (một biệt hiệu của Đức Thái Thượng Lão Quân) giáng cơ tiếp cho Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối. Ấy là trọn vẹn.
Tính từ ngày khởi cho Kinh Sám Hối (19-4-1925) cho đến ngày cho dứt Kinh Sám Hối (21-11-1925), chúng ta thấy thời gian kéo dài hơn 7 tháng.
ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.