Hành Chánh Đạo

Hán: 行政道

Anh: The body of the religious administration.

Pháp: Le corps de l’administration religieuse.

Hành: Làm, đem làm, đi. Chánh: khuôn phép, qui tắc làm việc, việc sắp đặt trị anĐạo: tôn giáo.

Theo nghĩa ngoài đời, Hành Chánh là thi hành chánh sách và pháp luật của nhà nước trong việc cai trị dân chúng.

Hành Chánh Đạo là một cơ quan của Đạo Cao Đài để thi hành các luật lịnh của Hội Thánh, hoặc của nhơn sanh dâng lên mà đã có Quyền Chí Tôn phê chuẩn, nghĩa là buộc chúng sanh tuân y luật pháp chơn truyền của Đạo mà đi trên con đường đạo đức cho đặng thong dong, hòa bình, trật tự, hạnh phúc, an nhàn, tức là thực hành cả khuôn viên luật pháp cho ra thiệt tướng.

“Hành Chánh Đạo là thi hành cho đúng những qui điều trong chơn pháp để dìu độ chúng sanh lánh khỏi tội tình, hiệp về cội Đạo.

Cầm quyền Hành Chánh Đạo là phận sự của CTĐ, thay mặt cho Trời mà thực thi nhơn nghĩa đạo đức, để phục vụ nhơn sanh về phần vật chất tức là phần Đời. Bảo thủ chơn truyền chẳng để cho Chánh giáo trở nên Phàm giáo là nhiệm vụ của Chức sắc HTĐ can hệ về phần tinh thần tức là phần Đạo.

Thiết nghĩ, Chức sắc CTĐ được quyền sử dụng những luật lệ do nhơn sanh lập thành, nên phải gìn giữ và nhắc nhở nhơn sanh tuân hành nghiêm chỉnh giáo điều Tân Luật, để khỏi bị vi phạm luật pháp mà thất thệ và lỗi đạo.

Vả lại, Chức sắc Hội Thánh CTĐ cũng không nên quên rằng chính mình cũng phải chịu dưới luật lệ ấy vì nó đã trở thành Thiên điều tại thế rồi. Vì thế, để xứng đáng là người hướng đạo tinh thần cho nhơn sanh, chư Chức sắc Thiên phong cần ý thức rõ vai tuồng Hành Chánh Đạo của mình, đừng vì một sơ suất hiểu lầm do phàm tâm lấn áp mà biến sự PHỤC VỤ thành QUYỀN CAI TRỊ, gây thống khổ cho nhơn sanh mà đắc tội với Đại Từ Phụ, sanh điều phản khắc với tôn chỉ và chủ nghĩa của nền Đại Đạo.

Tại sao nơi cửa Đạo Cao Đài lại có Hành Chánh Đạo mà không như các tôn giáo khác hằng ngồi yên để tịnh luyện?

Xin thưa: Đối với Đạo Cao Đài, Hành Chánh Đạo là một cơ cấu bỉnh cán các đẳng chơn linh hạ trần nương theo đó mà hồi cựu vị.

Mục đích của Hành Chánh Đạo

là phục vụ nhơn sanh trong tinh thần giáo hóa để giác ngộ, hầu hướng dẫn nhơn sanh lập công bồi đức, chuộc lỗi tiền khiên, qui hồi cựu vị.

Hành Chánh Đạo là một danh từ rất kêu đối với Đời, nhưng nó là một danh từ trống rổng ở cửa Đạo về mặt uy quyền cũng như lợi lộc. Đạo Cao Đài sở dĩ có Hành Chánh là vì muốn cho có đẳng cấp trật tự đi trong lẽ phải, thực hành chơn lý để mỗi chơn linh, dù lớn dù nhỏ, có phương tiện nương theo đó mà lập vị mình, hầu trở lại quê xưa hay là tiến hóa.

Chức sắc Hội Thánh CTĐ có phận sự thực thi Hành Chánh Đạo một cách công minh, nghĩa là chúng ta, kẻ tay sai cho tất cả chúng sanh, nhờ ta kêu gọi dìu dẫn mà họ sớm giác ngộ, cải tà qui chánh, thoát khỏi tục trần, lánh vòng phiền não.

Chúng ta nên hiểu rằng, mục tiêu chánh của Hành Chánh Đạo là giáo hóa, chớ không phải như Hành Chánh của Đời là cai trị.

Các bậc Giáo Chủ của các nền tôn giáo xưa kia đâu cần phải có hình thức quan lại trong khuôn khổ trị dân để giáo đạo đâu. Các Đấng ấy đi ta bà để khuyên dân dạy đời và thức tỉnh nhơn loại, rồi các đạo giáo ấy cũng thành hình trong sự dạy dỗ.

Vậy, chúng ta cả thảy nên nhìn vào sự giáo hóa mà tiến lên, đừng để hình thức cai trị bắt buộc phải theo Đạo thì hình thức ấy chỉ là lầu đài trên bãi cát.

Cứu cánh của Hành Chánh Đạo

là “đoạt vị tại thế” trong chiều hướng tận độ chúng sanh đưa về cựu phẩm.

Chúng ta biết rằng, Nhơn hồn có nhiều bực cấp của chơn hồn từ Nguyên nhơn đến Hóa nhơn và Quỉ nhơn. Hành Chánh Đạo chẳng phải chỉ kêu gọi hàng Nguyên nhơn mà còn độ rỗi Hóa nhơn và trừ khử Quỉ nhơn nữa. (Quỉ nhơn là tà tâm dục vọng). Bởi cớ nên Đại Từ Phụ lập ra CTĐ để sắp xếp các đẳng linh hồn đã xuống thế, tùy theo căn nguyên biết mộ đạo, tu tỉnh mà trở lại nguyên căn ở cõi vô hình hay là thượng giới.

Ngoài ra, bên Quỉ vị, vì lẽ công bình của Tạo Đoan, nên cũng có thành lập Tam thập lục Động, đối chiếu với Tam thập lục Thiên, để khảo duợt các chơn linh trước khi trở về đến Ngọc Hư Cung.

Do đó, Hành Chánh Đạo làm thế nào cho sáng tỏ chơn lý, rạng rỡ nét công, đừng còn những lẽ tà vạy trong hàng Chức sắc Thánh Thể Đức Chí Tôn, cũng như trong bổn đạo là con của Đại Từ Phụ. Nếu mỗi mỗi trong Thánh Thể của Đức Chí Tôn biết nêu ra lẽ chánh thì con đường tận độ sẽ thênh thang, cả Nguyên nhân lẫn Hóa nhơn có thể trở lại ngôi xưa hay hóa kiếp để đoạt vị một cách dễ dàng, bằng ngược lại thì sẽ bị rơi trong cái bẫy khảo duợt của Chúa quỉ, tức nhiên lọt vào tay của Kim Quang Sứ vậy.” (Tài liệu Hạnh Đường, Huấn Luyện Giáo Hữu)

Hệ Thống Tổ Chức Hành Chánh Đạo

của Đạo Cao Đài bắt đầu từ dưới lên trên. Nền móng tổ chức là Hương Đạo.

Nhiều Hương Đạo lập thành Tộc Đạo, nhiều Tộc Đạo lập thành Châu Đạo, nhiều Châu Đạo lập thành Trấn Đạo. Các Trấn Đạo trực tiếp với Cửu Viện (9 Viện).

Từ Trấn Đạo trở xuống thuộc về Hành Chánh Đạo Địa phương, từ Cửu Viện trở lên thuộc về Hành Chánh Đạo Trung ương, là những cơ quan quan trọng tại Tòa Thánh cầm quyền điều hành nền đạo.

Hệ Thống Tổ Chức Hành Chánh Đạo, được tóm tắt bằng sơ đồ nơi trang 13 của quyển Cao Đài Từ Điển nầy.

Các phẩm vị: Giáo Tông, Hộ Pháp và Đầu Sư tại Trung ương thường được gọi là “HỘI THÁNH ANH”.

Ba phẩm cấp nơi Hương Đạo: Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự và Thông Sự được gọi là “HỘI THÁNH EM”.

Đạo Cao Đài chỉ có một Hội Thánh Anh mà lại có vô số Hội Thánh Em. Dầu có một quyền lực mạnh mẽ nào đi nữa cũng không thể tiêu diệt được Hội Thánh của Đạo Cao Đài.

Trong Tổ chức Hành Chánh Đạo, Nam Nữ được phân quyền rõ rệt, Nam phái làm việc theo Nam phái và Nữ phái làm việc theo Nữ phái.

Sở dĩ CTĐ tổ chức Hành Chánh Đạo là nhằm mục đích phổ độ và giáo hóa nhơn sanh đạt được kết quả mau chóng và tốt đẹp. Ấy là thể hiện công việc Phụng sự nhơn sanh.

Đức Chí Tôn mở Đạo Cao Đài thời Tam Kỳ Phổ Độ là lập một trường thi công quả cho nhơn sanh đắc đạo. Bí pháp giải thoát trong thời kỳ nầy là công quả phụng sự nhơn sanh, chớ không phải tìm nơi thanh vắng hành công tu luyện, độc thiện kỳ thân. Muốn phụng sự nhơn sanh có hiệu quả thì phải tổ chức ra một guồng máy gồm nhiều cơ quan, sự điều hành phải có trật tự phân minh, nhiệm vụ lớn nhỏ rõ rệt. Sự phổ độ không phải chỉ riêng dân chúng nơi nước Việt Nam mà còn phải lan rộng ra toàn nhơn loại trên thế giới.

Đạo Cao Đài dùng từ ngữ Hành Chánh Đạo, khiến cho người đời lầm tưởng là Đạo Cao Đài lập ra một triều đình hay một Chánh phủ quân chủ để tranh giành quyền lực với Chánh quyền đời. Chính vì sự hiểu lầm như thế, mà từ khi Khai Đạo năm Bính Dần (1926) đến nay, Đạo Cao Đài luôn luôn bị Chánh quyền đời nghi ngờ, tìm cách đàn áp và tiêu diệt.

Để giải tỏa các điều hiểu lầm tai hại nói trên, mỗi Chức sắc CTĐ cầm quyền Hành Chánh Đạo phải thực hiện rõ nét nhiệm vụ phổ độ và giáo hóa nhơn sanh hành thiện, trong tình thương yêu cao cả, muốn cứu khổ ban vui.

Đừng nên có một hành động hay một cử chỉ, lời nói nào để người đời hiểu lầm Chức sắc được Hội Thánh bổ xuống địa phương như là một “Ông quan của đạo” để cai trị tín đồ trong địa phương đó, hoặc tự cho mình như là một “ông Thánh Sống” với lời nói thốt ra như là lời phán truyền buộc các tín đồ phải cúi đầu tùng phục.

Đức Chí Tôn đã từng dạy, Chức sắc là người đi phụng sự nhơn sanh, chớ đâu phải đến đó để nhơn sanh phụng sự Chức sắc. Nếu để nhơn sanh phụng sự Chức sắc thì có gì gọi là công quả của Chức sắc. Đây là điều rất tế nhị khó khăn, đòi hỏi Chức sắc phải có đủ hạnh đức của bực chơn tu, có trình độ thông hiểu giáo lý Đại Đạo, không ham quyền tước danh vọng nơi cõi trần nầy, chỉ muốn giúp đời, cứu khổ ban vui cho đời.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài